Góc nhìn của các chuyên gia về phát triển Thành phố thông minh và chuyển đổi số
30/09/2022: (binhduong.gov.vn) - Chiều 26-9, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh Bình Dương đã diễn ra Phiên đối thoại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Ấn Độ Horasis với chủ đề "Xây dựng thành phố thông minh tương lai" và "Thúc đẩy quá trình chuyển đổi số" dưới sự chủ trì của ông Jitesh Shetty - nhà sáng lập, Qwiklabs (Subsidiary of Google), Hoa Kỳ và ông Vijay Sambamurthi - người sáng lập và Đối tác Quản lý, Lexygen, Ấn Độ.


Xây dựng thành phố thông minh để phục vụ người dân

Theo đánh giá của các diễn giả, thành phố thông minh là động cơ tăng trưởng và chúng rất quan trọng đối với sự chuyển đổi kinh tế của Ấn Độ và Việt Nam. Diễn giả Varun Mathur - Giám đốc điều hành, Vertice Entertainment, Ấn Độ cho rằng, thành phố thông minh (TPTM) cần tập hợp 3 yếu tố gồm: Thành công, tinh thần và tài chính diễn ra đồng bộ để tạo sự phát triển bền vững; đồng thời sử dụng công nghệ hỗ trợ cuộc sống để thực hiện đáp ứng quản lý, cơ sở hạ tầng và đảm bảo yếu tố cơ bản về y tế, giáo dục, lương thực, thực phẩm.

 Toàn cảnh Phiên đối thoại với chủ đề "Xây dựng thành phố thông minh tương lai"

Lấy minh chứng về xây dựng TPTM, diễn giả Phạm Thị Linh - Phó Giám đốc Văn phòng TPTM Bình Dương cho biết, từ năm 2016 Bình Dương đã xây dựng mô hình TPTM Bình Dương, với mô hình Ba nhà (Nhà nước, Nhà doanh nghiệp, Viện/Trường), thu hút nguồn nhân lực và doanh nghiệp đến Bình Dương đầu tư. Xây dựng cơ sở hạ tầng tốt là xuất phát điểm tốt cho Bình Dương. Hiện tỉnh có hơn 4.000 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hơn 05 năm qua, tỉnh đã xây dựng TPTM với mô hình đổi mới sáng tạo, giúp người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn. GDP Bình Dương cao nhất Việt Nam. Trong tương lai Bình Dương tiếp tục thay đổi, dịch chuyển hơn nữa để tránh bẫy thu nhập trung bình.

Theo diễn giả Phạm Thị Linh, để xây dựng TPTM ngoài xây dựng cơ sở hạ tầng bài bản, hiện đại, thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài với mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ, Bình Dương tạo ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thúc đẩy công nghệ sản xuất, thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Còn diễn giả Vinod Sekhar - Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Tập đoàn Petra, cần phải nâng cấp chất lượng cuộc sống ở vùng nông thôn, cần có giải pháp hướng tới tương lai, thật sự có hiệu quả trên toàn cầu.

 Chuyên gia thảo luận tại Phiên đối thoại với chủ đề "Xây dựng thành phố thông minh tương lai"

Chia sẻ về chiến lược phát triển TPTM Bình Dương trong tương lai, Tiến sĩ Frank-Jurgen Richter - Chủ tịch Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á Horasis, cho biết: "Xây dựng và phát triển các mối quan hệ đối tác là những gì các bạn đang cần. Đặc biệt, sự kiện Diễn đàn hợp tác kinh tế Ấn Độ Horasis 2022 lần này là một cơ hội lớn. Chúng tôi đã mời rất nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Ấn Độ đến tham dự và giúp tỉnh Bình Dương thực hiện mục tiêu của đề ra. Tham dự hội nghị lần này có các công ty, tập đoàn lớn tại Ấn Độ trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, cũng có các ngành dịch vụ với giá trị gia tăng cao. Hy vọng của chúng tôi là Ấn Độ và Việt Nam có thể chung tay để biến Đề án Thành phố thông minh Bình Dương thành hiện thực. Bằng cách tổ chức các sự kiện quốc tế lớn khác nhau, Bình Dương có thể thu hút thêm nhiều đầu tư. Các bạn cũng đang làm tốt việc xây dựng thương hiệu. Ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo toàn cầu công nhận và biết đến Bình Dương nhờ vào việc đẩy mạnh thương hiệu".

Cũng theo các diễn giả, để kinh tế tăng trưởng tốt, chính quyền địa phương cần tạo ra những việc làm tốt, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, hướng đến lưu trữ, khai thác dữ liệu, đưa dữ liệu trở thành các công trình phục vụ đời sống người dân, nâng cao chất lượng sống. Mỗi thành phố đều có những điểm mấu chốt để phục vụ cho người dân sống tốt hơn như nâng cao kỹ năng cho người dân sử dụng dịch vụ, công nghệ.

Bên cạnh đó, các diễn giả cũng chia sẻ những giải pháp thông minh trong lĩnh vực Y tế, Môi trường, Giáo dục và bất động sản… Đồng thời, các giải pháp an toàn trong ứng dụng công nghệ là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia trong xây dựng TPTM.

Đặt con người làm trọng tâm trong chuyển đổi số

Theo các diễn giả, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Điều này thấy rõ nhất trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn ra. Hầu như tất cả các hoạt động trực tiếp đều dần chuyển sang công nghệ, điển hình như học trực tuyến, họp trực truyến, họp qua các ứng dụng công nghệ, phần mềm trực tuyến… Đặc biệt là ngành thương mại điện tử phát triển một cách mạnh mẽ và rõ ràng nhất. Chính sự chuyển đổi nhanh chóng sang công nghệ kỹ thuật số trong giai đoạn Covid – 19 đã tăng cường sự phục hồi kinh tế, trong đó có Việt Nam và Ấn Độ.

Toàn cảnh Phiên đối thoại với chủ đề “Thúc đẩy quá trình chuyển đổi số” 

Các chuyên gia nhấn mạnh, trong chuyển đổi số, các doanh nghiệp cần đặt con người làm trọng tâm. Phải phát triển số hóa dựa trên nhu cầu của con người và vì phục vụ con người. Hiện nay số hóa là xu thế thời đại. Nên sẽ có nhiều "startup" tham gia vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, các "startup" muốn thành công trong lĩnh vực này thì xác định một nguyên tắc, đó là cần xác định vấn đề trước, sau đó mới phát triển công nghệ.

Số hóa là phải đi đôi với công nghệ. Không có công nghệ và công nghệ không tương thích thì con người không thể tiếp cận với số hóa.

Một vấn đề đặt ra trong quá trình số hóa, đó chính là yếu tố bảo mật tính riêng tư của dữ liệu. Có hai thể loại dữ liệu, dữ liệu tổ chức và dữ liệu cá nhân. Để bảo mật, phải chú trọng vào cách thức lựa chọn, sử dụng dữ liệu và đầu tư cho bảo mật dữ liệu. Đối với ngành tài chính ngân hàng, hiện đang dùng giải pháp "banking" mở. Đây là thể loại dữ liệu tổ chức. Do đó, cần xây dựng hành lang pháp lý cho giải pháp này.

Hiện nay, có khá nhiều dịch vụ số hóa được sử dụng miễn phí. Người dùng phải chấp nhận rủi ro khi sử dụng dịch vụ miễn phí và phải cung cấp dữ liệu cho họ.

Chuyên gia thảo luận tại Phiên đối thoại với chủ đề “Thúc đẩy quá trình chuyển đổi số” 

Hiện nay, ở Việt Nam, trong quá trình phát triển số hóa sẽ gặp các thách thức, đó là nguồn nhân lực, tư duy của người lãnh đạo. Với quan điểm xưa cũ, người lãnh đạo coi số hóa là một quan điểm. Thực chất số hóa là một  hành trình, phải liên tục đầu tư và đi đến cách thức thích nghi mới, tiêu chuẩn mới, cùng với đó là tâm lý ngại thay đổi, các IT đưa ra giải pháp lớn nhưng không thiết thực.

Theo các chuyên gia đánh giá, cơ hội số hóa ở Việt Nam còn rất lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế và giáo dục. Hiện nay, các chỉ tiêu cho y tế và giáo dục đã được Chính phủ cải thiện tăng rất cao. Nhưng cả nước chỉ có khoảng 700 bệnh viện công, trong đó khoảng 600 bệnh viện cấp thành phố. Đây chính là một thị trường rộng mở cho cơ hội số hóa đối với lĩnh vực y tế.

Sau Covid-19, đã có nhiều cơ hội cho Việt Nam và Ấn Độ. Đây là thời điểm đón cơ hội, đặc biệt về công nghệ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đối với Việt Nam, để số hóa phát triển, Chính phủ cần có những chính sách ưu đãi, khuyến khích và có các giải pháp nhân rộng quy mô.

Mai Xuân - Thảo Lam

Lịch làm việc của UBND
Hôm nay, Chủ Nhật 08/09/2024

CN
T2
T3
T4
T5
T6
T7
Tải lịch làm việc tuần
( Xem online)
Từ ngày 02/09/2024 đến ngày 08/09/2024